Một trong những vấn đề mà rất nhiều mẹ bầu quan tâm trong các buổi khám thai là: “Bác sĩ ơi, cân nặng của con em bao nhiêu rồi?” Đây là câu hỏi hoàn toàn chính đáng. Nhưng thực tế việc đánh giá cân nặng thai nhi qua siêu âm vẫn còn nhiều giới hạn. Bài viết này sẽ giúp các mẹ hiểu đúng về cân nặng thai nhi. Tránh những hiểu lầm không đáng có trong quá trình mang thai.
Cân nặng thai nhi trên siêu âm chỉ là ước lượng
Khác với việc cân thực tế ngoài đời, cân nặng thai không thể được xác định trực tiếp trong bụng mẹ. Khi siêu âm, bác sĩ sẽ đo các chỉ số như chu vi vòng đầu, vòng bụng, chiều dài xương đùi, sau đó nhập vào công thức để dự đoán cân nặng. Kết quả này chỉ mang tính chất tham khảo và có thể xê dịch khá lớn so với cân nặng thực tế của bé sau sinh.
Cân nặng thai nhi có thể sai số bao nhiêu?
Với thai nhi bình thường, mức sai số của cân nặng thai trên siêu âm là khoảng ±10%. Đối với thai to, mức sai số có thể lên đến ±15% hoặc hơn. Ví dụ, nếu siêu âm dự đoán cân nặng là 3.200g thì khi sinh, bé có thể chỉ nặng 2.800g hoặc lên tới 3.600g. Có những trường hợp chênh lệch gần 1kg là điều hoàn toàn có thể gặp.
Nguyên nhân khiến cân nặng thai nhi trên siêu âm không chính xác
Tư thế thai nhi và kỹ thuật đo:
Nếu thai nhi nằm quay lưng, cúi mặt hoặc gập người, việc lấy lát cắt chuẩn để đo sẽ khó khăn. Chỉ cần lệch vài milimét cũng khiến cân nặng thai nhi dự đoán lệch vài trăm gram.
Kinh nghiệm người thực hiện:
Mỗi bác sĩ có thói quen đo khác nhau. Có người đo sát xương, có người đo cả phần mềm. Cùng một bác sĩ, hai lần đo cũng có thể ra hai con số khác nhau. Thay đổi người đo hoặc máy đo thì độ lệch càng lớn.
Công thức tính toán:
Trên thế giới hiện có hơn 50 công thức tính cân nặng thai . Mỗi công thức lại được xây dựng từ các dân số khác nhau. Việt Nam hiện chưa có công thức chuẩn hóa hoặc nghiên cứu lớn về vấn đề này. Khi làm ở 2 bệnh viện lớn như Vinmec và Tâm Anh, tôi thường dùng công thức intergrowth-21. Các mẹ có thể tham khảo xem cân nặng thai nhi to hay nhỏ nhé

Đặc điểm từng thai nhi:
Mỗi bé một khác. Có bé đầu to, bụng nhỏ; có bé bụng to, chân ngắn. Có bé nhiều cơ, ít mỡ, có bé ngược lại. Thành phần cơ thể này không thể hiện hết trên các chỉ số đo của siêu âm.
Tỷ lệ mỡ dưới da:
Mỡ chiếm nhiều thể tích nhưng nhẹ cân. Bé nhiều mỡ sẽ nhìn lớn hơn nhưng thực tế nhẹ hơn. Máy siêu âm chỉ đo kích thước, không đo được lượng mỡ. Do đó, dự đoán cân nặng thai nhi không thể hoàn toàn chính xác.
Hệ lụy của việc quá chú ý vào cân nặng thai
Nhiều mẹ bầu nghe dự đoán cân nặng thai lớn đã lo lắng, xin chỉ định mổ lấy thai sớm. Thực tế, không ít trường hợp bé sinh ra lại nhẹ cân hơn nhiều so với kết quả siêu âm, dẫn đến cảm giác hụt hẫng hoặc trách bác sĩ “dự đoán sai”. Điều này có thể tạo ra các cuộc mổ không cần thiết, gây căng thẳng tâm lý cho cả mẹ và bác sĩ.
Giá trị thực sự của siêu âm trong quản lý thai kỳ
Siêu âm không chỉ nhằm mục đích dự đoán cân nặng thai. Quan trọng hơn, siêu âm giúp đánh giá sự phát triển của thai qua thời gian, kiểm tra nước ối, bánh nhau, phát hiện dị tật, đánh giá dòng chảy mạch máu và nhiều vấn đề khác liên quan đến sức khỏe thai nhi. Đánh giá cân nặng thai nhi chỉ là một phần nhỏ trong toàn bộ quá trình theo dõi.
Quản lý thai kỳ cuối không nên chỉ dựa vào cân nặng thai
Bác sĩ sẽ đánh giá tổng thể qua nhiều yếu tố: chiều cao tử cung, cử động thai, dấu hiệu tiền sản giật, xét nghiệm, kết quả siêu âm doppler, tình trạng nước ối, test tim thai… Nếu các yếu tố này bình thường thì không cần siêu âm cân nặng thai nhi mỗi tuần, chỉ khi có dấu hiệu bất thường mới cần đánh giá lại.
Kết luận
Cân nặng thai trên siêu âm là giá trị tham khảo, có thể sai số. Mẹ bầu không nên quá lo lắng nếu thấy cân nặng thai nhi thay đổi giữa các lần khám. Đừng quyết định sinh mổ chỉ vì cân nặng thai trên siêu âm cao hơn mức trung bình. Hãy nhìn vào toàn diện sự phát triển và sức khỏe của bé. Cân nặng thực tế sẽ chỉ rõ ràng sau khi em bé chào đời.
PS: Ngoài cân nặng ra thì còn chiều cao thai nhi, nhưng trên siêu âm không đề cập vì tư thế em bé trong bụng mẹ không đo được. Và đây là cách tính
Pingback: Những Lưu Ý Khi Mang Thai - Cẩm Nang Cho Mẹ Bầu An Toàn & Khỏe Mạnh - Dr Tú - Y Học Bào Thai