Hiểu chỉ số, giảm lo lắng – Đồng hành cùng con một cách khoa học và yêu thương
Khi bước vào hành trình làm mẹ, bạn sẽ sớm làm quen với những lần siêu âm định kỳ – nơi lần đầu tiên được “gặp con” qua màn hình đen trắng, và cũng là nơi bác sĩ đọc được hàng loạt thông tin từ các chỉ số sinh trắc học thai nhi.
Những ký hiệu như BPD, HC, AC, FL, Cereb, CM, Vp, NBL, BOD, HL, HR, NT, CRL, GS có thể khiến mẹ bầu bối rối, nhưng thực chất, mỗi chỉ số đều là một mảnh ghép quan trọng để đánh giá sự phát triển toàn diện của con.
Dưới đây là phần giải thích dễ hiểu, dễ nhớ cho từng chỉ số – để mẹ bầu không còn hoang mang mỗi lần cầm tờ siêu âm trên tay.
1. BPD – Biparietal Diameter (Đường kính lưỡng đỉnh)
Đo khoảng cách giữa hai xương đỉnh đầu của thai nhi, trên mặt cắt ngang qua đồi thị.
Ý nghĩa:
Xác định tuổi thai
Ước tính cân nặng thai
Đánh giá sự phát triển não bộ
BPD nhỏ hơn bình thường: có thể là não nhỏ, nhiễm trùng bào thai hoặc hội chứng di truyền.
BPD lớn hơn nhiều: cần loại trừ các bất thường cấu trúc như đầu to, giãn não thất.

2. HC – Head Circumference (Chu vi vòng đầu)
Đo chu vi hộp sọ bằng đường elip, cũng trên mặt cắt BPD.
Dùng để:
Theo dõi hình dạng hộp sọ
Phát hiện đầu nhỏ, đầu to, dị tật sọ não
HC < -2SD → cần siêu âm hình thái hoặc MRI để đánh giá kỹ hơn.

3. AC – Abdominal Circumference (Chu vi bụng)
Đo vòng bụng lớn nhất của thai nhi, qua gan, dạ dày và tĩnh mạch rốn.
Quan trọng nhất để đánh giá dinh dưỡng thai nhi:
AC nhỏ → nguy cơ thai chậm phát triển trong tử cung (IUGR)
AC lớn → có thể do thai to hoặc tiểu đường thai kỳ

4. FL – Femur Length (Chiều dài xương đùi)
Đo chiều dài xương đùi đã cốt hóa – xương dài nhất cơ thể thai.
Dùng để:
Xác định tuổi thai
Phát hiện loạn sản xương, hội chứng Down
FL < 5th percentile → cần đánh giá thêm di truyền, xương ngắn bệnh lý.
Lưu ý: Chưa có bảng chuẩn FL cho người Việt Nam – phần lớn sử dụng theo bảng nước ngoài.

5. Cereb – Đường kính ngang tiểu não
Đo chiều ngang tiểu não – trung tâm điều khiển vận động và thăng bằng.
Được đo ở mặt cắt ngang qua hố sau của não.
Phát triển song song với tuổi thai từ 18–22 tuần, sau đó đường kính tiểu não sẽ cao hơn tuổi thai
Tiểu não nhỏ → cần loại trừ thiểu sản tiểu não, hội chứng Dandy-Walker…
6. CM – Cisterna Magna (Bể lớn)
Khoang chứa dịch não tủy phía sau tiểu não.
Bình thường: 2–10 mm
10 mm → có thể lành tính, nhưng cần loại trừ bất thường hố sau.
<2 mm → cần loại trừ thoát vị não, dị tật ống thần kinh.
7. Vp – Não thất bên (Ventricular Posterior Horn)
Đo phần sừng sau của não thất bên – khoang chứa dịch não trong não.
Bình thường: <10 mm
Giãn não thất có thể là dấu hiệu ban đầu của bất thường thần kinh hoặc nhiễm trùng bào thai.
Tuy nhiên, nếu chỉ giãn nhẹ đơn thuần và không kèm bất thường khác thì đa phần là lành tính.
8. NBL – Nasal Bone Length (Chiều dài xương mũi)
Chỉ số quan trọng để sàng lọc hội chứng Down.
Từ tuần 11–13 có thể quan sát xương mũi.
Xương mũi ngắn hoặc không thấy → tăng nguy cơ Trisomy 21
Nếu NIPT bình thường, không kèm bất thường khác thì không đáng ngại, có thể theo dõi tiếp tục với bác sỹ chuyên về y học bào thai
9. BOD – Binocular Distance (Khoảng cách hai hốc mắt)
Đo khoảng cách giữa hai hốc mắt.
Giúp phát hiện:
Mắt gần nhau (hypotelorism)
Mắt xa nhau (hypertelorism)
Gợi ý nguy cơ một số hội chứng di truyền như Noonan, Edwards…
10. HL – Humerus Length (Chiều dài xương cánh tay)
Đo chiều dài xương cánh tay thai nhi.
Giúp theo dõi tăng trưởng chi và đối xứng hai bên.
HL ngắn có thể là dấu hiệu của hội chứng Down, loạn sản xương.
11. HR – Heart Rate (Nhịp tim thai)
Nhịp tim thai bình thường từ 120–160 lần/phút
180 bpm: có thể do mẹ lo, sốt, nhiễm trùng
<110 bpm: cảnh báo suy thai, block tim → cần theo dõi sát
12. NT – Nuchal Translucency (Độ mờ da gáy)
Đo vào tuần 11–13, giúp sàng lọc sớm bất thường nhiễm sắc thể.
NT bình thường: <2.5 mm
NT tăng → nguy cơ hội chứng Down, dị tật tim, bệnh lý di truyền…
13. CRL – Crown-Rump Length (Chiều dài đầu – mông)
Là chỉ số chính xác nhất để tính tuổi thai trong 3 tháng đầu
Được đo khi thai nhi nằm duỗi, từ đầu đến mông
CRL bất thường → có thể cảnh báo thai chậm phát triển sớm
14. GS – Gestational Sac (Túi thai)
Là hình ảnh đầu tiên xuất hiện trong siêu âm thai sớm (tuần 4–5)
Đo đường kính túi thai để đánh giá tuổi thai và theo dõi phát triển ban đầu
Túi thai quá nhỏ hoặc méo mó → cần loại trừ thai chậm phát triển
Kết luận
Khi bạn hiểu rõ các chỉ số như chỉ số BPD trong siêu âm thai là gì, hay vai trò của HC, AC, FL, Cereb, CM, NT, CRL, GS…, bạn không chỉ là người mẹ mang thai – bạn trở thành người đồng hành đúng nghĩa với con từ những ngày đầu tiên.
Ths.Bs Nguyễn Ngọc Tú
#chisoBPD#chisobpdtrongsieuamthai#drtuyhocbaothai#sieuamthai